Bộ quy tắc ứng xử về nghiên cứu có trách nhiệm
Tài liệu này phác thảo Bộ quy tắc ứng xử về Nghiên cứu có trách nhiệm (sau đây gọi là ‘Quy tắc Nghiên cứu’). Các quy tắc được phác thảo trong tài liệu này đã được mô phỏng từ Bộ Quy tắc về Nghiên cứu có trách nhiệm của Úc – Australian Code for the Responsible Conduct of Research.
Tất cả nhân viên của Viện Nghiên cứu Tâm Anh (viết tắt là TAMRI), bao gồm nhà nghiên cứu cơ hữu, chuyên viên, sinh viên và nghiên cứu sinh, và cộng tác viên phải tuân thủ các nguyên tắc được liệt kê dưới đây:
Nguyên tắc 1: Trung thực
Công bố dữ liệu và thông tin một cách trung thực và chính xác trong suốt quá trình đề xuất, thực hiện, phân tích và báo cáo nghiên cứu.
Nguyên tắc 2: Nghiêm chỉnh
Chú ý đến những chi tiết về phương pháp nghiên cứu và duy trì tiêu chuẩn khoa học một cách nghiêm ngặt, đồng thời lưu tâm và thừa nhận những yếu tố nhiễu và thiên lệch.
Nguyên tắc 3: Minh bạch
Chia sẻ một cách cởi mở và có trách nhiệm về phương pháp nghiên cứu, dữ liệu và kết quả, đồng thời khai báo và quản lý các mâu thuẫn lợi ích cá nhân một cách có hiệu quả.
Nguyên tắc 4: Công bằng
Đối xử công bằng và tôn trọng các đồng nghiệp và tất cả các thành nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu. Tham khảo và trích dẫn thông tin một cách thích hợp, đồng thời ghi nhận và công nhận mức độ đóng góp, bao gồm cả quyền tác giả khi thích hợp, cho những thành viên đã đóng góp vào công trình nghiên cứu.
Nguyên tắc 5: Tôn trọng
Tôn trọng những thành viên tham gia nghiên cứu, đồng nghiệp, sinh viên, nghiên cứu sinh, và cộng đồng rộng lớn hơn, kể các loài động vật và môi trường.
Nguyên tắc 6: Ghi nhận
Ghi nhận và tôn trọng quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, Tích cực tham gia vào nghiên cứu có tác động hoặc có ý nghĩa đặc biệt đối với họ.
Nguyên tắc 7: Trách nhiệm giải trình
Trách nhiệm giải trình, bao gồm cả khía cạnh tài chánh và phi tài chánh, trong suốt quá trình phát triển, thực hiện và báo cáo nghiên cứu. Dự báo các hậu quả và kết quả của nghiên cứu trước khi công bố.
Nguyên tắc 8: Quảng bá văn hoá khoa học
Xiển dương và duy trì văn hóa khoa học, môi trường nghiên cứu có trách nhiệm cả trong Viện và trong lĩnh vực chuyên môn.
Trách nhiệm của Viện
-
- Thúc đẩy và duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và quản lý hiệu quả để bảo đảm nghiên cứu được thực hiện một cách có trách nhiệm.
- Công nhận và tuân thủ các điều luật, quy định, hướng dẫn và chánh sách hiện hành liên quan đến nghiên cứu khoa học.
- Tạo cơ hội giáo dục và đào tạo liên tục nhằm thúc đẩy và hỗ trợ nghiên cứu khoa học có trách nhiệm cho các thành viên ở các vị trí nghiên cứu và các bên liên quan khác.
- Bảo đảm các thành viên tham gia vào nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn, chứng chỉ và nguồn lực cần thiết để hoàn thành vai trò của họ một cách hiệu quả.
- Tìm cơ hội và cung cấp các khóa đào tạo về liêm chánh khoa học cho tất cả các thành viên nghiên cứu khoa học, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho các thành viên có quan tâm đến Quy tắc Nghiên cứu.
- Hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu một cách có trách nhiệm và, khi được yêu cầu, thực hiện kịp thời để khắc phục mọi điểm chưa chính xác hoặc thiếu nhất quán một cách kịp thời.
- Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các cơ sở vật chất lưu trữ và quản lý dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ và tài liệu. Ngoài ra, nếu khả thi và phù hợp, cho phép quyền truy cập và tham chiếu các tài nguyên này.
- Thúc đẩy các biện pháp nhằm ngăn ngừa và phát hiện các vi phạm tiềm ẩn đối với Quy tắc, chủ động tiếp cận nhằm duy trì tính liêm chánh của nghiên cứu.
- Thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận các quan ngại hoặc khiếu nại về các vi phạm có thể xảy ra đối với Quy tắc Nghiên cứu và tiến hành điều tra kỹ lưỡng để giải quyết các vi phạm tiềm ẩn đó một cách công bằng và hiệu quả.
- Bảo đảm quá trình xử lý và điều tra các quan ngại hoặc khiếu nại liên quan đến các hành vi vi phạm có thể xảy ra đối với Quy tắc Nghiên cứu được tiến hành một cách kịp thời và hiệu quả, đồng thời duy trì sự công bằng về thủ tục trong toàn bộ quy trình.
- Hỗ trợ và ưu tiên hoá phúc lợi của tất cả các thành viên tham gia vào cuộc điều tra về vi phạm Quy tắc Nghiên cứu, bảo đảm quyền lợi sức khỏe của họ được duy trì trong suốt quá trình.
- Kết quả điều tra phải dựa trên sự cân bằng giữa các tình huống và bảo đảm rằng hành động tiếp theo được thực hiện đều tương xứng với mức độ nghiêm trọng của vi phạm được đề cập.
Trách nhiệm của Nghiên cứu viên
-
- Thúc đẩy và bồi dưỡng văn hóa nghiên cứu khoa học có trách nhiệm trong Viện và trong các lĩnh vực chuyên môn của nghiên cứu viên.
- Hướng dẫn và cố vấn đến các đồng nghiệp nghiên cứu hoặc nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của họ, chú trọng đến việc tiến hành nghiên cứu có trách nhiệm. Ngoài ra, khi cần thiết, giám sát hành vi của thành viên để bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.
- Tham gia và ủng hộ các sáng kiến liên quan đến giáo dục và đào tạo nghiên cứu khoa học có trách nhiệm.
- Tuân thủ luật pháp hiện hành của Việt Nam, các quy định, tiêu chuẩn kỷ luật, nguyên tắc đạo đức và chính sách của tổ chức liên quan đến nghiên cứu khoa học có trách nhiệm. Trước khi bắt đầu nghiên cứu, bảo đảm đề cương và qui trình nghiên cứu được sự phê chuẩn của Hội đồng Đạo đức, và phải tuân thủ qui định trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu.
- Áp dụng các nguyên tắc đạo đức, bao gồm thành tích nghiên cứu và liêm chánh khoa học, công bằng, thiện lành, và tôn trọng trong các nghiên cứu trên người.
- Bảo đảm các nguyên tắc Thay thế, Cắt giảm và Hoàn thiện (3Rs) được áp dụng một cách nhất quán trong tất cả các giai đoạn nghiên cứu trên động vật. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến các động vật tham gia nghiên cứu và ưu tiên phúc lợi và quyền lợi sức khỏe của chúng.
- Sử dụng các phương pháp nghiên cứu thích hợp với mục tiêu nghiên cứu và kết luận phảu nhất quán với dữ liệu nghiên cứu.
- Lưu trữ hồ sơ liên quan đến tất cả các khía cạnh nghiên cứu, bao gồm dữ liệu nghiên cứu và tài liệu một cách an toàn. Khi khả thi và phù hợp, cho phép các đối tác liên quan truy cập và tham khảo các hồ sơ này.
- Công bố kết quả nghiên cứu một cách có trách nhiệm, chính xác và toàn diện. Nếu cần, nhanh chóng có hành động khắc phục để điều chỉnh tất cả các điểm chưa chính xác hoặc sai lệch trong hồ sơ.
- Khai báo và quản lý các mâu thuẫn lợi ích đang có hay tiềm ẩn hoặc đã nhận thấy trước.
- Bảo đảm các tác giả được liệt kê trong bài báo khoa học là những thành viên đã có những đóng góp đáng kể về mặt tri thức hoặc học thuật cho nghiên cứu, và họ đã đồng ý đứng tên tác giả.
- Ghi nhận và công nhận những thành viên có đóng góp quan trọng vào quá trình nghiên cứu.
- Trích dẫn tài liệu một cách đúng đắn và chính xác, và ghi nhận công trình nghiên cứu của những thành viên một cách cẩn thận.
- Tham gia vào các quá trình bình duyệt bài báo hay đề cương nghiên cứu của đồng nghiệp một cách công bằng, nghiêm minh và đúng hạn, đồng thời duy trì tính bảo mật tối đa nội dung được mời đánh giá.
- Báo cáo mọi hành vi nghi ngờ vi phạm Quy tắc Nghiên cứu cho Giám đốc điều hành của Viện.
Định nghĩa
Nghiên cứu. Khái niệm về nghiên cứu bao gồm việc kiến tạo ra tri thức mới và/hoặc sử dụng tri thức hiện hành theo hướng cách tân và sáng tạo để tạo ra các khái niệm, phương pháp luận, phát minh và hiểu biết mới. Nghiên cứu có thể bao gồm việc tổng hợp và phân tích kết quả của các nghiên cứu trước một cách sáng tạo.
Vi phạm Quy tắc Nghiên cứu bao gồm các trường hợp không đáp ứng các nguyên tắc và trách nhiệm được nêu trong Bộ Quy tắc, có thể liên quan đến một vi phạm đơn lẻ hoặc tái phạm nhiều lần. Ví dụ về vi phạm Quy tắc Nghiên cứu bao gồm, nhưng không giới hạn, những hành vi dưới đây:
- Không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc về nghiên cứu, chẳng hạn như thực hiện nghiên cứu mà không có sự phê chuẩn của Hội đồng đạo đức hoặc sử dụng sai quỹ nghiên cứu.
- Ngụy tạo, làm sai lệch, hoặc trình bày sai dữ liệu nghiên cứu hoặc nguồn tài liệu, bao gồm các trường hợp cố ý làm sai hoặc trình bày sai để có được tài trợ.
- Đạo văn, liên quan đến việc sử dụng trái phép công trình của người khác, bao gồm lý thuyết, khái niệm, dữ liệu nghiên cứu và nguồn tài liệu. Điều này bao gồm xuất bản trùng lặp (tự đạo văn) mà không ghi chép nguồn.
- Quản lý dữ liệu nghiên cứu không phù hợp, bao gồm việc hủy hoặc tiết lộ hồ sơ nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu hoặc nguồn tài liệu không đúng cách.
- Người có trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu không hướng dẫn đầy đủ về qui trình nghiên cứu khoa học và các Quy chế về nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh hay thành viên trong nhóm nghiên cứu.
- Tắc trách trong việc công nhận những đóng góp của những thành viên nghiên cứu một cách công bằng, hoặc cung cấp thông tin sai về quyền tác giả.
- Tắc trách trong việc khai báo và quản lý các mâu thuẫn lợi ích.
- Tắc trách trong việc bình duyệt bài báo khoa học hay đề cương nghiên cứu của đồng nghiệp một cách có trách nhiệm.
Hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học bao gồm những hành vi mang tính cố ý vi phạm nghiêm trọng Bộ Quy tắc ứng xử. Tái phạm nhiều lần có thể xem là vi phạm nghiêm trọng, cần phải được kiểm tra kỹ để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn về những hành vi sai phạm trong nghiên cứu khoa học.
Hành vi sai trái trong nghiên cứu không bao gồm những sự khác biệt về đánh giá tình huống. Nhìn chung, những sai phạm không cố ý không được xem là hành vi sai trái trong nghiên cứu trừ khi chúng phát sinh từ hành vi liều lĩnh hoặc cẩu thả.
Sau khi xác định có vi phạm, việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của vi phạm theo Bộ Quy tắc được tiến hành trên cơ sở của từng trường hợp. Việc xác định đòi hỏi phải được thực hiện một cách có hệ thống và cân nhắc kỹ lưỡng về bối cảnh cũng như các quy tắc kỷ luật học thuật đã được thiết lập.